Bức tranh ngành dược phẩm Việt Nam dưới ảnh hưởng Covid 19

 

  1. Thiếu hụt nguồn cung trầm trọng do ảnh hưởng bởi sự đứt gãy của chuỗi cung ứng

Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn luôn là một trong những quốc gia bị phụ thuộc phần lớn vào các nguồn nguyên liệu sản xuất dược phẩm nước ngoài, tỷ lệ lên tới 80-90%. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất khi chiếm tới hơn 80% – với tỷ lệ lần lượt dành cho từng quốc gia là 63,7% và 16,7% trong năm 2019.

Trung Quốc là phân xưởng sản xuất API lớn nhất trên thế giới, chiếm 40-60% sản lượng API được sản xuất và cung ứng trên toàn cầu với thế mạnh là API cho các nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau – hạ sốt và vitamin. Lợi thế của Trung Quốc nằm ở chi phí sản xuất thấp – rẻ hơn 35-40% Ấn Độ, trong khi chi phí sản xuất API tại Ấn Độ đã thấp hơn 30-40% so với chi phí sản xuất API tại Châu Mỹ và Châu Âu.

Từ cuối năm 2019, dịch bệnh COVID-19 bắt đầu tại Hồ Bắc, Trung Quốc và lan nhanh sang các tỉnh phía Đông của nước này như Sơn Đông và Giang Tô –  là khu vực tập trung các nhà máy sản xuất API. Dịch bệnh khiến nhiều thành phố bị phong tỏa và làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các nhà máy.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm từ Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 27,2 triệu USD (-30,0% yoy) và 9,4 triệu USD (-25,8% yoy). Tổng giá trị nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu trong 02 tháng đầu năm 2020 do đó cũng giảm 30,8% yoy, đạt 46,5 triệu USD.

 

  1. Doanh thu kênh OTC tăng trưởng mạnh do tâm lý tích trữ và nhu cầu bảo vệ sức khỏe

Doanh thu kênh nhà thuốc và quầy thuốc tăng khoảng 164-168% trong tháng 02/2020 so với cùng kỳ 2019 (theo Kantar Vietnam Worldpanel), nguyên nhân do:

  • Nhu cầu cho các sản phẩm phòng bệnh như khẩu trang và nước rửa tay tăng. Tuy nhiên, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dược chưa tích cực do (i) khẩu trang hay nước rửa tay đều không phải mặt hàng kinh doanh chính của các doanh nghiệp dược phẩm và (ii) thị phần phân mảnh với sự cạnh tranh của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, sản phẩm vệ sinh cá nhân hoặc/và mỹ phẩm.
  • Nhu cầu tăng cho các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch, tuy nhiên thị phần thuộc về các sản phẩm nước ngoài. Sức cạnh tranh của các sản phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng nội địa thấp bởi số lượng doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất giảm từ 4.190 doanh nghiệp xuống 300 doanh nghiệp sau khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP siết chặt tiêu chuẩn sản xuất HS-GMP cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng từ tháng 07/2019.
  • Nhu cầu tích trữ các dòng thuốc phổ thông như giảm đau – hạ sốt, thuốc ho, dung dịch nhỏ mắt – mũi tăng. Tuy nhiên, thị phần cũng thuộc về các sản phẩm nước ngoài. Các doanh nghiệp có thị phần >1% trong nhóm thuốc ho, cảm, giảm đau – hạ sốt ở Việt Nam chiếm 74,1% thị phần nhóm thuốc cùng tác dụng ở kênh OTC, trong đó các sản phẩm nước ngoài chiếm 81,6% (Panadol – GlaxoSmithKline, Strepsils – Reckitt Benckiser, Decolgen – United Pharma, Toplexil – Sanofi, v.v.) và các sản phẩm nội địa chỉ chiếm 18,4% (Hapacol Cold & Flu – DHG, Ameflu – OPV, Coldi-B và Bổ Phế Chỉ Khái Lộ – Nam Hà).
  1. Dịch bệnh COVID-19 chưa tác động mạnh tới kênh ETC ở Việt Nam

Nhu cầu cho các sản phẩm đấu thầu chưa tăng do chưa hoạt chất nào được cấp phép và khuyến cáo sử dụng trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 (trừ các loại hoạt chất được sử dụng trong phạm vi thử nghiệm lâm sàng) bởi chưa có đủ chứng minh về hiệu quả và an toàn của bất kỳ loại thuốc/vắc-xin nào cho vi-rút SARS-CoV-2. Phác đồ điều trị hiện tại được công bố bởi Bộ Y tế tập trung vào việc điều trị suy hô hấp theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các phương pháp cung cấp oxy cho nhu cầu chuyển hóa của tế bào (như liệu pháp oxy, đặt ống nội khí quản và thở máy xâm nhập)

Vì vậy, triển vọng kênh ETC tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi Thông tư 15/2019/TT-BYT (quy định lại quy chế đấu thầu) với lợi thế thuộc về các doanh nghiệp nội địa đầu tư cho tiêu chuẩn sản xuất cao cấp (như EU-GMP) nhằm hưởng lợi từ các ưu tiên trong chính sách đấu thầu cho sản phẩm nội địa có chất lượng tương đương và giá thấp hơn so với sản phẩm nước ngoài.

 

Nguồn FPTS

 

Contact Me on Zalo